TẬP HUẤN CHỦ ĐỀ: SƠ CỨU SỨC KHỎE TÂM THẦN VÀ CHĂM SÓC TÂM LÝ


02-09-2021

TÓM TẮT NỘI DUNG BUỔI TẬP HUẤN NGÀY 2 (2/9/2021)

CHỦ ĐỀ: SƠ CỨU SỨC KHỎE TÂM THẦN VÀ CHĂM SÓC TÂM LÝ

            Đại dịch Covid – 19 đã gây ra cuộc khủng hoảng trên toàn cầu với rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Trong chuỗi tập huấn “Hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân mắc Covid – 19 và gia đình”, buổi chia sẻ ngày thứ 2 có chủ đề về Sơ cứu sức khỏe tâm thần và chăm sóc tâm lý, được trình bày bởi TS. Martina Moore (Đại học John Carroll), tập trung vào những nội dung chính dưới đây:

1. Những trải nghiệm phổ biến khi được chuẩn đoán hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 bao gồm: sợ hãi, lo âu, trầm cảm, gia tăng việc sử dụng thuốc và đồ uống có cồn, gia tăng bạo lực gia đình, tê liệt cảm xúc, buồn bã, chán nản…

2. Các giai đoạn tiếc thương mà người mắc covid hay bị ảnh hưởng bởi Covid thường gặp phải: chối bỏ - lo lắng/giận dữ/sợ hãi – thỏa hiệp – trầm cảm – chấp nhận/tái điều chỉnh/chuyển đổi – lập kế hoạch – khả năng phục hồi/trưởng thành.

3. Các khuyến nghị từ chương trình MHFA khi hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi Covid 19:

- Lắng nghe không phán xét: lắng nghe sâu, đây chính là phương thức tốt nhất để chúng ta thể hiện sự thấu cảm trong quá trình hỗ trợ. Lắng nghe mà không đưa ra bất kì giả định hay phán xét nào, khi đó chúng ta có thể dễ dàng hiểu được người cần trợ giúp đang suy nghĩ và cảm nhận như thế nào.

- Gỡ bỏ mọi rào cản: luôn chú ý nhìn nhận lại bất kì thành kiến nào có thể đang tồn tại trong chính chúng ta, không để mình bị cản trở bởi chính những thành kiến này

- Tập trung vào nhu cầu của người cần giúp đỡ: hiểu được trải nghiệm của người đang cần giúp đỡ sẽ cho chúng ta biết các nguồn lực nào phù hợp với họ

- Tập trung vào cảm xúc: hãy chú ý để cuộc trò chuyện luôn nói về người cần được giúp đỡ

- Xác thực các trải nghiệm và cảm xúc: không đổ lỗi cho tình huống hay bác bỏ các cảm xúc của người cần giúp đỡ, hãy đảm bảo với họ rằng sự hỗ trợ cho họ luôn sẵn sàng.

4. Những hoạt động được đề xuất trong quá trình hỗ trợ sơ cứu tâm lý, bao gồm hoạt động:

1/ Định hướng phản ứng về những khía cạnh tâm lý xã hội của phản ứng covid 19

2/ Đảm bảo các lộ trình kết nối, chuyển gửi liên ngành

3/ Điều phối các thông tin thực tế kịp thời ở các định dạng có thể giúp truy cập dễ dàng cho mọi người

3/ Cung cấp thông tin sức khỏe tâm thần cho những người bị cách ly và hỗ trợ những người bị cách ly

4/ Bảo vệ sức khỏe tâm thần của tất cả những người liên quan và đảm bảo họ có thể tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội

5/ Giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần và các nhu cầu cơ bản của những người có vấn đề sức khỏe tâm thần từ trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid 19

6/ Giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của người lớn tuổi và các nhóm dân số dễ bị tổn thương khác

7/ Giải quyết sự kì thị bằng cách cung cấp các thông điệp tích cực

8/ Tạo điều kiện cho tang quyến

9/ Tích hợp các hoạt động phản hồi vào các dịch vụ hiện có

5. Những gợi ý những thông điệp cần gửi đến các nhóm đối tượng khác nhau:

* Đối với công chúng: Hiểu rằng những người bị ảnh hưởng bởi Covid19 không làm điều gì sai và họ xứng đáng nhận sự hỗ trợ, lòng trắc ẩn của chúng ta.

- Không dán nhãn ai là bệnh nhân covid-19, để đảm bảo họ không bị xác định bởi khái niệm covid 19

            - Thu thập sự thật, tránh các thông tin sai lệch, những thông tin đều đặn, sự thật có thể giúp làm giảm sự sợ hãi

- Tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ những người khác trong lúc họ cần – mang lại lợi ích cho cả người giúp đỡ và người cần được giúp đỡ

- Hãy thấu cảm với những người đã bị ảnh hưởng bởi covid19

* Đối với những người chăm sóc trẻ em:

 - Tạo môi trường an toàn cho trẻ có thể bày tỏ và truyền đạt  cảm xúc của mình

- Để trẻ ở gần cha mẹ nếu điều đó là an toàn cho trẻ. Hạn chế tối đa việc chia cách trẻ em và người chăm sóc. Nếu một đứa trẻ phải tách khỏi người chăm sóc, đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp

- Duy trì những thói quen thân thuộc tối đa hoặc tạo ra những thói quen mới phù hợp

* Với người cao tuổi và người chăm sóc:

- Cung cấp hỗ trợ cảm xúc và thiết thực thông qua các mạng lưới không chính thức (gia đình và đồng nghiệp) và các chuyên gia y tế

- Chia sẻ những sự thật đơn giản về những gì đang xảy ra và cung cấp đầy đủ thông tin, truyền đạt rõ ràng

- Chuẩn bị biết rõ ở đâu và làm thế nào để nhận được sự trợ giúp nếu cần

- Giữ liên lạc thường xuyên với người thân qua điện thoại hay các phương tiện khác

* Đối với người đang bị cách ly:

- Hãy cố gắng duy trì thói quen cá nhân hàng ngày hoặc tạo những thói quen mới càng nhiều càng tốt. Tham gia vào các hoạt động lành mạnh và cảm thấy thư giãn. Tập thể dục thường xuyên, duy trì thói quen ngủ đều đặn và ăn thức ăn lành mạnh. Hãy suy nghĩ mọi việc thông suốt tích cực, sử dụng CNTT để kết nối với những người thân.

- Nếu cơ quan y tế khuyến nghị hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn bùng phát, bạn vẫn có thể giữ kết nối xã hội qua e-mail, mạng xã hội, họp trực tuyến và điện thoại.

* Đối với những nhà lãnh đạo và quản lý:

- Giữ trạng thái sức khỏe tinh thần ổn định, thoải mái cho đội ngũ nhân viên;

- Đảm bảo giao tiếp tốt và cập nhật thông tin chính xác cho tất cả nhân viên; Hãy đảm bảo việc chuẩn bị sẵn sàng để các đồng nghiệp có thể cung cấp hỗ trợ xã hội lẫn nhau.

- Tạo điều kiện tiếp cận và đảm bảo rằng nhân viên biết rõ địa điểm họ có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

* Đối với nhân viên chăm sóc sức khoẻ

- Quản lý sức khỏe tâm thần và sức khỏe tâm lý xã hội của bạn trong thời gian này cũng quan trọng như quản lý sức khỏe thể chất của bạn

- Sử dụng các chiến lược ứng phó hữu ích như đảm bảo nghỉ ngơi và dưỡng sức đầy đủ trong khi làm việc hoặc giữa ca làm việc, ăn uống đủ chất và lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Tránh sử dụng các chiến lược ứng phó vô ích như thuốc lá, rượu hoặc các loại ma túy khác. Về lâu dài, những điều này có thể làm suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

- Nhận sự hỗ trợ xã hội từ những người mà bạn tin tưởng.

- Chia sẻ thông điệp với bệnh nhân nâng cao nhận thức và tâm lý xã hội

- Đối với các nhân viên y tế và những người hỗ trợ thì để trợ giúp hay chăm sóc cho ai đó, bạn cần phải bảo vệ mình trước tiên, hãy “đeo khẩu trang” trước khi giúp người khác, tự chăm sóc bản thân và tự động viên mình trong những bối cảnh khó khăn.

Sau phần trình bày của TS. Martina Moore, nhiều tham dự viên cùng với diễn giả đã trao đổi những vấn đề liên quan đến chủ đề như: Cách hướng dẫn và chăm sóc đối với trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trong khi hiện nay chưa có vacxine cho nhóm đối tượng này; Hỗ trợ tâm lý cho con nhân viên y tế trong thời gian cha mẹ cách ly con để chống dịch; Hỗ trợ tâm lý và các kĩ năng cho trẻ em trong khu cách ly; Vấn đề về nguy cơ nghiện game online hay các nguy cơ khác từ internet khi trẻ học online và tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử thông minh; Việc đối mặt với khủng hoảng, căng thẳng khi đưa người nhà vào viện trong bối cảnh có những thông tin sai lệch….

Diễn giả khẳng định, cách chúng ta có thể làm trong tình hình hiện nay là nhấn mạnh tới việc phòng ngừa và tự chăm sóc bản thân một cách tốt nhất, tăng cường sự kết nối giữa gia đình với giáo viên và nhà trường, tự giáo dục mình tìm kiếm những nguồn thông tin chính thống, tránh các thông tin không đúng sự thật, thành lập các đường dây nóng để người dân có thể tìm thấy sự hỗ trợ ngay khi cần. Tiếp đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp LIÊN NGÀNH, chúng ta không thể một mình xử lý đại dịch hay khủng hoảng, mà chúng ta cần kết nối với các nhiều chuyên gia ở các mạng lưới khác nhau. Trong đó, việc phối hợp đa ngành với đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH, nhà tham vấn tâm lý là cần thiết và hiệu quả bởi đây là đội ngũ kết nối các nguồn lực và đảm bảo người cần trợ giúp nhận được đầy đủ các nguồn lực.

THÔNG ĐIỆP CỦA GIẢNG VIÊN TỚI NHỮNG NGƯỜI ĐANG LÀM CÔNG TÁC HỖ TRỢ TRẺ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI COVID:

LẮNG NGHE: Nghe và ghi nhận cảm xúc

ĐÁNH GIÁ: Xác định xem trẻ có đang bị căng thẳng/đang phải đổi mặt với căng thẳng hay không?

CAN THIỆP: Bình thường hóa cảm xúc tiêu cực của trẻ, cung cấp các chỉ dẫn dựa trên những mong đợi, chuyển hướng (đọc sách, những thứ vui vẻ/hài hước, tập thể dục), quản lý căng thẳng (tập hít thở sâu); suy nghĩ tích cực.

Hỗ trợ tâm lý xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần cho những người bị ảnh hưởng bởi covid 19 là việc vô cùng cần thiết. Để làm được điều đó, trước tiên người hỗ trợ cần phải có hiểu biết kiến thức và vững vàng đầu tiên, cùng với sự kết nối, phối hợp liên ngành trong quá trình hỗ trợ. Đây cũng là nội dung lời chia sẻ của TS. Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa CTXH khi kết thúc buổi chia sẻ sáng nay.

            Buổi tập huấn với chủ đề số 3 về Tác động của Covid – 19 đối với bệnh nhân Covid – 19 sẽ được tiếp tục diễn ra vào sáng ngày mai, ngày 03/09/2021 trên nền tảng zoom trực tuyến, dưới sự điều phối của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội – Khoa Công tác xã hội.

 

 

 

 

 

Người đăng:Quản trị viên
02-09-2021