Cơ cấu tổ chức

Giới thiệu chung về Khoa Công tác xã hội - HNUE


02-12-2021

1. Giới thiệu chung về Khoa Công tác xã hội

Khoa CTXH, Trường ĐHSPHN, tiền thân là Bộ môn CTXH trực thuộc khoa Giáo dục chính trị và Bộ môn Công tác xã hội với trẻ em trực thuộc Khoa Giáo dục đặc biệt. Bộ môn CTXH của Trường ĐHSPHN là một trong những cơ sở đào tạo chuyên ngành CTXH sớm nhất trong cả nước ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành mã ngành đào tạo CTXH theo Quyết định số 35/2004/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2004.

Trước yêu cầu thực tế về phát triển nguồn nhân lực CTXH ở Việt Nam, đặc biệt sau Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ngày 25 tháng 3 năm 2010  về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đặt ra trọng trách đối với các trường có đào tạo ngành CTXH phải tích cực xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng đào tạo để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo của mình và xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu xã hội, Trường ĐHSPHN đã chính thức thành lập Khoa CTXH trên cơ sở sát nhập hai bộ môn: Bộ môn CTXH của khoa GDCT và Bộ môn CTXH với trẻ em của khoa GDĐB, theo Quyết định số 2104/ QĐ-ĐHSPHN, ngày 25 tháng 04 năm 2011 của Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN.  Khoa CTXH được thành lập với mục đích nâng cao chất lượng và phát triển quy mô đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngành CTXH tại trường ĐHSPHN, đáp ứng nhu cầu xã hội về đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH cho các cấp, ngành, các địa phương trong cả nước vì mục tiêu an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Công tác xã hội

 

Từ năm 2011 đến nay, khoa CTXH, Trường ĐHSPHN đã và đang đào tạo 15 khoá sinh viên chính quy và 5 khóa cao học, đồng thời là cơ sở đào tạo có uy tín trong đào tạo hệ vừa làm vừa học, hệ đào tạo từ xa và đào tạo liên thông đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành CTXH ở các cấp, các ngành, các địa phương ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Khoa đặc biệt quan tâm việc xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ GV, tận tâm với nghề tham gia giảng dạy và hướng dẫn SV NCKH. Ngoài ra, khoa luôn tạo môi trường học thuật, cảnh quan và các hoạt động bổ trợ nhằm giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

 

- Về giảng dạy: Nâng cao chất lượng giảng dạy cả về kiến thức, kỹ năng. Hoàn chỉnh và bổ sung các giáo trình theo hướng tăng cường thực hành, tài liệu tham khảo, sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học hiện đại để SV có tài liệu học tập và nghiên cứu đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo tín chỉ.

- Về công tác thực hành, thực tập CTXH: Đảm bảo tổ chức có chất lượng các đợt thực hành, thực tập chuyên môn của sinh viên; gắn kết chặt chẽ với các cơ sở thực hành trong công tác quản lý, giám sát, kiểm huấn cho sinh viên.

(Hình ảnh sinh viên xuống cơ sở thực hành )

- Công tác NCKH: Tăng cường NCKH, động viên cán bộ và SV tham gia các đề tài nghiên cứu, tạo môi trường NCKH sôi động, hiệu quả. Các nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập, quản lý và tổ chức nghiên cứu bởi các GV có khả năng NCKH cũng như kinh nghiệm và đạt kết quả cao trong NCKH.

- Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ: Có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng viên. Tạo điều kiện để các GV được tham gia các lớp đào tạo, tham gia nghiên cứu và nâng cao năng lực. Phối kết hợp với các cơ sở đối tác nước ngoài để bồi dưỡng năng lực cho GV.

- Hợp tác quốc tế: Với mục tiêu đào tạo Công tác xã hội chất lượng cao theo hướng chuẩn hóa quốc tế thì hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo CTXH là một hoạt động tất yếu của khoa. Tháng 11/2012, Trường ĐHSPHN là một trong bốn trường đại học ở Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các trường đào tạo Công tác xã hội quốc tế (ISSAW). Sự kiện đặc biệt này đã nâng cao uy tín, vị thế của khoa CTXH, Trường ĐHSPHN trong lĩnh vực đào tạo công tác xã hội tại Việt Nam. Khoa cũng rất tích cực để mở rộng các mối quan hệ quốc tế với các trường đào tạo CTXH trên thế giới trên các lĩnh vực trao đổi GV, SV, nghiên cứu khoa học.

(Đoàn SV Nhật Bản đến thăm quan và học tập tại Khoa Công tác xã hội

 trong chương trình Thực tập quốc tế)

Trong giai đoạn tới 2022 – 2025 và tầm nhìn đến 2030, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và nâng cao chất lượng giảng dạy, NCKH, hợp tác quan hệ quốc tế và các phong trào để xứng đáng là nơi đào tạo hàng đầu đội ngũ làm công tác xã hội trong cả nước, góp phần phát triển ngành Công tác xã hội ở Việt Nam.

 

2. Triết lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Mục tiêu giáo dục của trường ĐHSPHN được tuyên bố trong Quyết định Số 10883/QĐ-ĐHSPHN ngày 29/10/2019 về việc sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giai đoạn 2017 - 2022, tầm nhìn 2030. Mục tiêu chung là “Xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành trường đại học sư phạm “chuẩn mực, sáng tạo và tiên phong” trong đào tạo giáo viên, chuyên gia và lãnh đạo giáo dục, các nhà nghiên cứu chất lượng cao ở cấp quốc gia và khu vực, năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ (đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học cơ bản) đạt tầm khu vực và quốc tế”.

Ngày 06/05/2020 Triết lý giáo dục của Trường ĐHSPHN được ban hành theo Quyết định Số 930/QĐ-ĐHSPHN với nội dung là đào tạo nhà giáo xuất sắc có tinh thần nhân văn, tư duy hiện đại, hành động tích cực vì sự phát triển cộng đồng hướng tới mục tiêu đào tạo những nhà giáo có lòng nhân ái, tình yêu con người, có ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; có tư duy độc lập, có khả năng cập nhật, sáng tạo cái mới, có năng lực phản biện khoa học; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng; hành động tích cực vì sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc và nhân loại.

Triết lý giáo dục của Nhà trường không chỉ phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục và phát triển của đất nước, đáp ứng nhu cầu của người học, của xã hội mà còn dự báo tính thích ứng trong tương lai và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục, phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của Trường.

Dựa trên mục tiêu giáo và Triết lý giáo dục của Trường, Khoa Công tác xã hội đã cụ thể hóa trong xây dựng chương trình đào tạo và đưa vào mục tiêu của chương trình đào tạo và trong từng môn học. Khoa cũng tiến hành phổ biến đến toàn thể đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên thực hiện theo triết lý giáo dục đó.

3. Sứ mạng và tầm nhìn

Sứ mạng

Khoa Công tác xã hội có sứ mệnh đào tạo trình độ đại học và sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công tác xã hội cho các cấp, ngành, các địa phương trong cả nước, đặc biệt là cho các tổ chức chính trị - xã hội, các trung tâm bảo trợ xã hội, trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội, đơn vị nghề nghiệp từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, tỉnh, thành phố vì mục tiêu an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.

Song song với sứ mệnh đào tạo, Khoa Công tác xã hội còn có sứ mệnh nghiên cứu, ứng dụng đa dạng các lĩnh vực trong xã hội, cung cấp dịch vụ nghiên cứu, ứng dụng, thực hành Công tác xã hội đóng góp cho sự ổn định, bền vững của xã hội, vì mục tiêu hướng tới sự công bằng, hạnh phúc và phát triển dựa trên sự tôn trọng quyền và phẩm giá con người,

Tầm nhìn

Tới năm 2030, Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội sẽ trở thành trung tâm đào tạo và cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội chất lượng cao, có uy tín, là nơi tập trung các chuyên gia, giảng viên trình độ cao, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế về công tác xã hội lớn nhất khu vực miền Bắc.

4. Cơ cấu tổ chức Khoa Công tác xã hội

- Định hướng và lãnh đạo, điều hành chung các hoạt động của Khoa: là Chi ủy và Ban chủ nhiệm khoa. Đồng thời có sự phối hợp hoạt động của các tổ chức: Công đoàn Khoa, Liên chi đoàn và Hội sinh viên khoa, Chi đoàn cán bộ khoa.

- Khoa Công tác xã hội có 3 tổ bộ môn:

+ Bộ môn Cơ sở Công tác xã hội

+ Bộ môn An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng

+ Bộ môn Công tác xã hội với trẻ em và gia đình

5. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo qua các nhiệm kỳ

* Nhiệm kỳ 2011 – 2015

1. TS. Vũ Thị Kim Dung: Trưởng khoa, Bí thư chi bộ Khoa (đã về hưu)

2. TS. Nguyễn Hiệp Thương: Phó Trưởng khoa

3. TS. Nguyễn Duy Nhiên: Phó trưởng khoa

* Thời kỳ 2015 – 2022

1. TS. Nguyễn Hiệp Thương: Trưởng khoa, Bí thư chi bộ Khoa (đã chuyển công tác)

2. PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình: Phó Trưởng khoa

3. TS. Nguyễn Duy Nhiên: Phó trưởng khoa (đã chuyển công tác)

4. TS. Phạm Văn Tư: Phó trưởng Khoa (từ năm 2021)

* Thời kỳ 2022 – đến nay

1. PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình:  Trưởng khoa, Bí thư chi bộ Khoa

2. TS. Phạm văn Tư: Phó trưởng khoa

Nội dung: Nguyễn Thị Mai Hương 1982

Người đăng:Quản trị viên
02-12-2021