Ngày Công tác xã hội thế giới 2023


25-03-2023

NGÀY CTXH THẾ GIỚI 2023

Công tác Xã hội (CTXH) xuất hiện từ thế kỷ 19 trên thế giới, đây là ngành nghề, một hoạt động chuyên nghiệp hướng tới sự thay đổi, sự công bằng, tiến bộ và phát triển xã hội. Thông qua việc tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, CTXH hỗ trợ kết nối nguồn lực, tăng cường giải phóng và phát huy tiềm năng ở mỗi cá nhân, gia đình và nhóm cộng đồng, “giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân” (Hiệp hội CTXH thế giới).

Ngày CTXH Thế giới

Hàng năm, ngày Công tác Xã hội Thế giới được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày thứ ba của tuần thứ ba trong tháng 3. Trong suốt tháng 3 hàng năm, các sự kiện tôn vinh nghề công tác xã hội thường được tổ chức ở các cơ sở thực hành và đào tạo CTXH trên toàn thế giới. Đây là dịp để ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực và thành tích của những người làm nghề CTXH, cũng như nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của nhân viên CTXH đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và nhóm cộng đồng đang đối mặt với khó khăn và nghịch cảnh. Đây cũng là ngày kêu gọi sự quan tâm chú ý và ủng hộ của xã hội đối với nhu cầu phát triển và sự cần thiết ngày một lớn của ngành CTXH.

Năm nay, ngày CTXH TG diễn ra vào ngày thứ ba, 21/3/2023. Chủ đề của ngày CTXH Thế giới năm nay là Tôn trọng sự đa dạng thông qua nỗ lực chung tay hành động xã hội. Bắt nguồn từ Hiến Chương Nhân dân vì một Thế giới Xã hội Sinh thái (Hội nghị Nhân dân Toàn cầu 2022), thông điệp của chủ đề ngày CTXH năm nay đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của những thay đổi diễn ra từ cấp cơ sở, từ địa phương thông qua những nhóm cộng đồng đa dạng tại mỗi quốc gia, và việc nâng cao ý thức trong việc tôn trọng sự đa dạng và khác biệt.

Ngày CTXH thế giới năm 2023 hướng tới ghi nhận và đề cao cách cộng đồng có thể thực hiện các hoạt động mạnh mẽ và thiết thực, để từ đó mang đến những chuyển biến xã hội toàn diện. Lịch sử đã cho thấy, để có được sự thay đổi và tiến bộ xã hội của mỗi địa phương, quốc gia và thế giới, thì luôn cần có sự chung tay phối hợp của các hoạt động xã hội, của sự liên minh hỗ trợ lẫn nhau của những tổ chức xã hội các cấp, từ cấp cơ sở đến tầm quốc gia và quốc tế. Tại các quốc gia, đã có nhiều phong trào xã hội diễn ra từ các nhóm cộng đồng và đã mang đến những chuyển biến thay đổi lớn lao trên khắp thế giới, từ những vấn đề về người vô gia cư, bất bình đẳng giới, tới những vấn đề như quyền bầu cử của phụ nữ, quyền của người da màu, quyền kết hôn của cộng đồng LGBTQIA+…

Trong một thế giới mà các vấn đề thách thức từ nông thôn tới thành thị không còn là vấn đề riêng của một quốc gia, đặc biệt sau COVID-19, khi dịch bệnh đã từng phủ bóng khắp toàn cầu, thì những vấn đề thách thức hậu COVID tiếp tục là những vấn đề cần sự chung tay góp sức của những hành động xã hội, tổ chức xã hội từ nhỏ đến lớn. Những vần đề nhức nhối như sự chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về dịch vụ y tế, đói nghèo, bạo lực trên cơ sở giới, sự gia tăng của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, vô gia cư…đòi hỏi những người làm CTXH phải nỗ lực hơn nữa trong việc kết nối, xây dựng và mở rộng sự hợp tác với các chuyên gia và chương trình trong và ngoài nước để thúc đẩy toàn diện các hoạt động, dịch vụ, sáng kiến để hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế.

Chính vì vậy, thông điệp chủ đề của ngày CTXH năm nay đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết, đồng lòng chung sức thực hiện những sáng kiến và hành động xã hội vì một thế giới hồi phục hậu COVID, như vị Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế của Người làm CTXH, ông Joachim Mumba đã nói: “Chúng tôi chào đón tất cả các bên liên quan cùng chung tay trong nỗ lực vun đắp một thế giới xã hội sinh thái bền vững, đây là hành trình tất cả chúng ta cần phải chung vai gánh vác thực hiện. Cùng nhau, chúng ta sẽ lan tỏa những kinh nghiệm, bài học địa phương và toàn cầu của mình để tạo ra những thay đổi mang tính chuyển biến xã hội.”

 

Tôn trọng sự đa dạng

Trong những nỗ lực mang đến những thay đổi tích cực ấy cho cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng và xã hội, những người làm nghề công tác xã hội, những “change agent” cần phải luôn ghi nhớ và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội. Trong những nguyên tắc đó, “tôn trọng sự đa dạng và khác biệt” là một trong những nguyên tắc quan trọng đầu tiên và cốt lõi mà tất cả những người làm nghề CTXH cần phải tuân thủ và ghi nhớ sâu sắc.

Tôn trọng sự đa dạng, là không phân biệt đối xử về khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội, màu da, chủng tộc, quốc tịch, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo và các đặc điểm sức khỏe của người khác. Do mỗi đối tượng (cá nhân, gia đình hay cộng đồng) đều có những đặc điểm riêng biệt về bản thân, hoàn cảnh gia đình và môi trường sống, khi hỗ trợ thân chủ giải quyết vấn đề, người làm CTXH cần tôn trọng tính cá biệt của mỗi trường hợp mà đưa ra phương pháp tiếp cận và hỗ trợ giải quyết vấn đề hiệu quả. Ngay cả khi cùng là một vấn đề, nhưng với mỗi đối tượng lại cần có cách can thiệp phù hợp.

Tôn trọng sự đa dạng, là luôn tôn trọng và đề cao quyền tự quyết của thân chủ, quyền tự do cá nhân (trong khuôn khổ) và giúp thân chủ trong nỗ lực xác định và làm rõ những mục tiêu của họ.

Tôn trọng sự đa dạng, là biết chấp nhận những quan điểm, những tính cách, những cá nhân, những nét văn hóa khác biệt với mình. Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác với tâm thế cởi mở và trân trọng. Chúng ta có thể đồng ý hay không đồng ý với người khác, với suy nghĩ khác, nhưng ta không vì thế mà cố tìm cách xem thường, vùi dập người khác vì sự khác biệt. Đây là yếu tố cơ bản để phát huy tối đa năng lực của mỗi cá thể.

Trên thực tế, văn hóa là một yếu tố quan trọng, mỗi chúng ta đều đến từ những vùng miền khác nhau, mang những đặc trưng văn hóa riêng của nơi mình sinh ra và lớn lên. Do đó, nhân viên xã hội cần luôn có ý thức tìm hiểu sự đa dạng của các nền văn hóa, tôn trọng sự khác biệt văn hóa của các thân chủ.. Theo Hiệp hội Quốc gia về CTXH Hoa Kỳ (NASW), những yêu cầu về năng lực nhận thức và hành vi của nhân viên xã hội đối với sự đa dạng văn hóa và xã hội được ghi trong Quy ước về Đạo đức như sau: “Người làm công tác xã hội phải hiểu văn hóa và chức năng của mình trong cách ứng xử với con người và xã hội, và thừa nhận ưu điểm hiện hữu trong tất cả các nền văn hóa. Người làm công tác xã hội phải có kiến thức căn bản về văn hóa của thân chủ và phải có khả năng chứng tỏ năng lực đó trong những dịch vụ nhạy cảm đối với văn hóa của thân chủ và với sự khác biệt của các nhóm người và các nhóm văn hóa. Người làm công tác xã hội phải tìm cách hiểu và học hỏi về bản chất của tính đa dạng của xã hội và tình trạng áp bức về màu da, chủng tộc, giới tính, tính dục và tuổi tác, khuyết tật về tâm lý hay thể chất” (NASW).

Bên cạnh đó, sự đa dạng và khác biệt còn thể hiện ngay trong chính những vấn đề xã hội mà CTXH đang hỗ trợ: CTXH với trẻ em và gia đình, CTXH trong trường học, CTXH trong bệnh viện, CTXH với người khuyết tật, CTXH trong lĩnh vực HIV/AIDS, CTXH và phát triển cộng đồng, an sinh xã hội, CTXH với người cao tuổi, CTXH với phụ nữ và nạn nhân bị buôn bán người v.v…Ở mỗi lĩnh vực, nhân viên CTXH đều thể hiện nhiều vai trò, từ đánh giá nhu cầu và những khó khăn của đối tượng cần hỗ trợ, tới lên kế hoạch, đại diện, giúp cho thân chủ được tiếp cận các nguồn lực họ cần để cải thiện cuộc sống, ứng phó với khủng hoảng, hướng tới sự cân bằng và bình an của bản thân và gia đình. Trau dồi vững vàng chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách, biết tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, biết tôn trọng chính mình chính là cơ sở để những người làm nghề CTXH thực thi tốt các chính sách xã hội, thực hành tốt hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ và khai thác tiềm năng của những người yếu thế, để họ được vươn lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hiểu được tầm quan trọng của sự đa dạng và khác biệt, mỗi người làm CTXH cần không ngừng tu dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng, sống, thích nghi với sự đa dạng và khác biệt để làm việc và cống hiến hết mình cho sứ mệnh của những người tử tế, luôn mang trong mình nhiệt huyết cống hiến cho sự tiến bộ và công bằng xã hội.

 Nguồn tham khảo:

  1. https://www.socialworkers.org/About/Ethics/Code-of-Ethics/Code-of-Ethics-English
  2. https://www.socialserviceworkforce.org/world-social-work-day-2023
  3. https://www.ifsw.org/social-work-action

 

Nguyễn Phương Anh

Người đăng:Quản trị viên
25-03-2023